Văn hóa chính trị Chính_trị_Hoa_Kỳ

Bản Tuyên ngôn Độc lập, Hiến pháp, Đạo luật về các Quyền Công dân, cùng những tác phẩm của các Nhà Lập Quốc (Founding Father), được xem là những định nghĩa cho ý thức hệ cầm quyền của đất nước, được giảng dạy tại các trường học ở Hoa Kỳ. Trong số những ý tưởng căn cốt của ý thức hệ này có:

  • Chính quyền chịu trách nhiệm trước công dân. Công dân có thể thay đổi chính quyền thông qua các cuộc bầu cử.
  • Quyền lực của chính quyền trong các lĩnh vực như tôn giáo, ngôn luận, và thi hành luật pháp cần bị hạn chế nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm dụng quyền lực.
  • Luật pháp không được gắn kết với đặc quyền của bất kỳ công dân nào (nghĩa là, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật).
  • Các cá nhân và các đảng chính trị có quyền thảo luận về cách áp dụng ý thức hệ nêu trên vào các hoàn cảnh riêng biệt, và có quyền công khai bất đồng ý kiến với bất kỳ điều khoản nào của ý thức hệ này.
Trang đầu nguyên bản Hiến pháp Hoa Kỳ

Trong thời kỳ lập quốc, nước Mỹ là một nền kinh tế với doanh nghiệp tư nhân là thành phần chủ đạo nên chính quyền các tiểu bang dành khu vực phúc lợi cho những sáng kiến tư nhân hoặc địa phương. Nhìn chung, Chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận một hệ thống các doanh nghiệp tư và chống lại chủ trương chi tiêu rộng rãi nhằm hỗ trợ người dân, mặc dù những kinh nghiệm có được từ cuộc Đại Suy thoái thách thức cả hai quan điểm này. Kết quả là, về mặt ý thức hệ, nước Mỹ có khuynh hướng thiên về chủ nghĩa tư bản dân chủ, đối nghịch với các nền văn hoá thiên về khuynh hướng dân chủ xã hội ở Âu châuCanada.

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ theo đuổi chính sách cô lập trong các vấn đề đối ngoại bằng cách không đứng về phe nào khi xảy ra các cuộc tranh chấp. Mặc dù đã từ bỏ chủ trương này sau khi trở nên một siêu cường, người Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi với chủ nghĩa quốc tế. Ý thức hệ của tổng thống đương nhiệm và các cố vấn của ông là yếu tố quyết định cho thái độ của chính quyền trong lĩnh vực ngoại giao.